Cát cánh: Thảo dược quý và những công dụng đối với sức khỏe

Cát cánh là một loại dược liệu quý trong y học cổ truyền, được sử dụng từ lâu đời để điều trị nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp. Trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về cát cánh cũng như những công dụng mà thảo dược này mang lại.  

Giới thiệu tổng quan về cây cát cánh

Cây cát cánh có tên khoa học là Platycodon grandiflorus, thuộc họ Hoa chuông (Campanulaceae). Cây cát cánh còn được gọi với nhiều tên khác nhau như: Bạch dược, thổ sâm, mộc tiện, kết canh, cánh thảo, phù hổ,… Đây là một loại cây thân thảo, có nguồn gốc từ các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Việt Nam, thảo dược này thường mọc hoang dại ở các vùng núi cao và lạnh.

Cây cát cánh
Cát cánh – Dược liệu quý trong chữa trị nhiều bệnh lý liên quan đến đường hô hấp

Đặc điểm nhận dạng

  • Cây thân thảo, sống lâu năm trên các cánh đồng, vùng núi.
  • Chiều cao từ 40 – 100cm, thân cây thẳng
  • Lá mọc đối xứng hoặc so le, mép lá có răng cưa nhỏ. 
  • Hoa cát cánh mọc đơn độc, hình chuông, dài, có màu xanh tím hoặc trắng. Gồm 5 cánh với các đường gân sẫm màu. 
  • Hoa nở vào tháng 5 – 8 và có quả từ tháng 7 – 9.
  • Quả có hình dạng như quả trứng ngược.
Cây cát cánh
Hình ảnh các bộ phận cây cát cánh

Bộ phận quan trọng nhất của cây chính là rễ, bởi đây là phần được sử dụng để làm thuốc. Rễ cây thường được thu hoạch vào mùa thu, sau đó làm sạch, cạo vỏ và phơi khô. Rễ có màu trắng ngà hoặc vàng nhạt, vị đắng nhẹ nhưng sau đó lại ngọt.

Thành phần hóa học của cát cánh

Cát cánh chứa nhiều hợp chất hóa học quan trọng, bao gồm: Polygalain acid, saponin, alpha spinasterol, platycodigenin, stigmasterol, betulin,…

Các hợp chất hóa học trong cát cánh đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, đồng thời tăng cường sức đề kháng và bảo vệ sức khỏe tổng thể.

Công dụng của cây cát cánh

Trong y học cổ truyền, cát cánh được coi là một vị thuốc quan trọng với nhiều công dụng. Đặc biệt là trong việc điều trị các bệnh liên quan đến hệ hô hấp. Dưới đây là những tác dụng chính của cát cánh:

Theo y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, cát cánh có công dụng bài nùng, tuyên phế, khử đờm, lợi yết và khai thông phế khí. Vậy nên dược liệu này thường được dùng để hỗ trợ điều trị các bệnh lý như: viêm họng, đau họng, chứng lụ, tiểu tiện không thông, áp xe phổi, ho có nhiều đờm,…

Công dụng của cát cánh
Công dụng của cát cánh theo y học cổ truyền

Một số sách cổ có nói về công dụng của thảo dược này:

  • Sách Dược Tính Bản Thảo: Sử dụng để chữa các bệnh như: khí thúc thấu nghịch, đàm diên và phá huyết, nhiễm độc, chủ phế khí, tiêu tích tụ, trẻ em bị động kinh và khử tích khí.
  • Sách Bản Thảo Thông Huyền: Duy kỳ thương nhập phế kinh, cổ năng sử chư khí hạ giáng và phế vị chủ khí chi tạng.
  • Sách Danh Y Biệt Lục: Công dụng phong tý, liệu hầu yết thống, lợi ngũ tạng trường vị, trừ độc của sâu, trừ hàn nhiệt, ôn trung tiêu cốc, bổ khí huyết.
  • Trung Dược học: Giảm đau, giải nhiệt, ức chế hệ miễn dịch, an thần và chống viêm loét dạ dày.

Theo y học hiện đại

Qua nghiên cứu của y học hiện đại, cát cánh mang đến những công dụng sau:

Đối với hệ hô hấp

Tác dụng giúp làm long đờm mạnh mẽ. Đã được kiểm nghiệm thông qua thử nghiệm lâm sàng trên động vật (chó và mèo). Chó và mèo sau khi bị gây mê được cho uống nước sắc từ cát cánh. Kết quả thu được là niêm niêm mạc phế quản tăng tiết dịch hơn bình thường.

Đối với nội tiết

Sử dụng nước sắc từ cát cánh khiến đường huyết của thỏ giảm rõ rệt. Đặc biệt, khi thử nghiệm trên thỏ bị tiểu đường nhân tạo nước thuốc có tác dụng điều trị rõ ràng hơn.

Chuyển hóa lipid

Cho chuột uống nước sắc cát cánh thu được kết quả quá trình chuyển hóa lipid tăng và giảm cholesterol ở gan.

Chống nấm

Nước thuốc cát cánh có khả năng ức chế hoạt động của nhiều loại nấm tấn công gây hại trên da.

Đối với huyết học

Saponin trong cát cánh này có tác dụng kháng viêm, an thần, giảm đau, ức chế miễn dịch,… Hoạt chất saponin có trong cát cánh tác dụng mạnh hơn 2 lần trong viễn chí. Tuy nhiên, khi dùng dưới dạng đường uống, thuốc thường bị dịch vị thủy phân nên mất khả năng tán huyết. 

Cách sử dụng cát cánh an toàn, hiệu quả

Cát cánh có thể được sử dụng dưới nhiều dạng khác nhau tùy vào mục đích điều trị. Dưới đây là một số cách sử dụng phổ biến:

Dạng thuốc sắc

Đây là cách sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Bạn có thể sử dụng 10-15g rễ khô, sắc với nước uống hàng ngày. Hỗ trợ giảm ho, long đờm và điều trị viêm họng rất tốt.

Cách sử dụng cát cánh
Dùng nước sắc thuốc cát cánh giúp giảm ho, long đờm và điều trị viêm họng rất tốt

Dạng bột

Rễ cát cánh khô có thể được nghiền thành bột mịn và sử dụng trực tiếp. Bạn có thể hoà bột với nước ấm để uống hoặc trộn với mật ong.

Ngâm rượu

Rễ của thảo dược này cũng có thể ngâm với rượu. Công dụng để tăng cường tác dụng kháng viêm và tăng cường sức khỏe phổi.

Các bài thuốc từ cây cát cánh

Dưới đây là một số bài thuốc từ cát cánh được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền để điều trị các bệnh lý hô hấp và tiêu hóa.

Bài thuốc chữa ho có đờm

  • Nguyên liệu: Cát cánh (10g), cam thảo (6g), bách bộ (10g), xuyên bối mẫu (8g).
  • Cách thực hiện: Sắc các nguyên liệu với 500ml nước cho đến khi còn khoảng 200ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.
  • Tác dụng: Bài thuốc này giúp làm loãng đờm, giảm ho và làm dịu cổ họng.

Bài thuốc chữa viêm họng

  • Nguyên liệu: Cát cánh (12g), kim ngân hoa (12g), cam thảo (8g), bồ công anh (12g).
  • Cách thực hiện: Sắc các nguyên liệu với 600ml nước, uống 2 – 3 lần trong ngày.
  • Tác dụng: Giúp giảm viêm họng, sưng đỏ, làm dịu cảm giác đau rát cổ họng.

Bài thuốc chữa viêm phổi, hen suyễn  

  • Nguyên liệu: Cát cánh (15g), bối mẫu (10g), hoàng liên (6g), cam thảo (8g).
  • Cách thực hiện: Sắc thuốc với 700ml nước, uống trong ngày.
  • Tác dụng: Hỗ trợ làm giảm triệu chứng viêm phổi, ho hen suyễn, giảm đờm và làm sạch đường thở.

Bài thuốc hỗ trợ tiêu hoá

  • Nguyên liệu: Cát cánh (10g), đẳng sâm (12g), bạch truật (12g), chỉ xác (8g).
  • Cách thực hiện: Sắc thuốc với 500ml nước, uống hàng ngày.
  • Tác dụng: Giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm đầy hơi, khó tiêu.

Những lưu ý khi sử dụng cát cánh

Mặc dù tác dụng của thảo dược này đối với sức khỏe là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, mộc tiện không nên sử dụng cho những đối tượng sau đây:  

  • Người bị âm hư ho lâu ngày không khỏi và ho ra máu.
  • Người bị âm hư hỏa nghịch nhưng không có phong hàn ở phế.
  • Người không có phong hàn bế tắc ở phế và khí nghịch lên. Hay người bị âm hư hỏa vượng hoặc ho suyễn, lao tổn.
  • Người bị bệnh nhưng không thuộc về tạng phế.
  • Phụ nữ có thai, cho con bú cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ. 

Cát cánh có công dụng hỗ trợ và điều trị một số bệnh lý liên quan tới phế. Tuy nhiên trước khi sử dụng người bệnh cần tham khảo ý kiến của các thầy thuốc và bác sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không lạm dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Cát cánh là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Đặc biệt là trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp và tiêu hóa. Việc hiểu rõ về cách sử dụng và kết hợp thảo dược này trong các bài thuốc sẽ giúp bạn tận dụng tối đa những lợi ích mà nó mang lại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *