Hoàng cầm: Dược liệu quý với nhiều công dụng trong y học

Hoàng cầm là một trong những vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền, được sử dụng rộng rãi nhờ vào nhiều tác dụng chữa bệnh. Không chỉ mang lại giá trị y học mà còn được ứng dụng trong nhiều loại sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Cùng tìm hiểu chi tiết về dược liệu trong nội dung dưới đây nhé!

Tổng quan cây hoàng cầm

Đây là thảo dược tự nhiên quý hiếm, giàu dưỡng chất. Tìm hiểu về dược liệu bạn sẽ bất ngờ về những công dụng mà nó mang lại. 

Dược liệu hoàng cầm
Dược liệu hoàng cầm

Giới thiệu khái quát

Tên tiếng Việt: Hoàng cầm.

Tên gọi khác: Hoàng văn, thử vĩ cầm, điều cầm, tửu cầm, không trường,…

Tên khoa học: Scutellaria baicalensis.

Họ: Hoa môi (Lamiaceae).

Đặc điểm nhận dạng cây hoàng cầm

  • Cây thân thảo lâu năm, chiều cao từ 20 – 50cm.
  • Thân vuông và có nhiều nhánh. Thân non có phủ 1 lớp lông ngắn, khi trưởng thành dần tiêu biến và nhẵn mịn hơn.
  • Lá cây mọc đối, hình mác hẹp, mép nguyên. Chiều dài lá từ 1,5 – 4cm, tiết diện rộng từ 3 – 8mm. Không có cuống hoặc cuống rất ngắn. Mặt trên của lá có màu xanh thẫm, mặt dưới có màu xanh nhạt. Cả hai mặt lá đều có điểm tuyến đen. 
  • Hoa hoàng cầm mọc sát nhau tạo thành chùm dày ở đầu cành, có màu lam tím. Cánh hoa có 2 môi và 2 nhị màu vàng, bầu hoa có 4 ngăn.
  • Quả có màu nâu sẫm và chứa các hạt tròn màu đen.
Dược liệu hoàng cầm
Đăc điểm nhận dạng dược liệu hoàng cầm

Phân bố

Dược liệu có nguồn gốc từ vùng ôn đới châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc. Xuất hiện phổ biến tại các tỉnh như: Hắc Long Giang, Vân Nam, Liêu Ninh, Hà Nam, Nội Mông, Hà Bắc.

Tại Việt Nam, để phục vụ nhu cầu sử dụng, dược liệu đang được thí nghiệm nuôi trồng ở những khu vực có thời tiết mát mẻ.

Thu hái, chế biến hoàng cầm

Cây hoàng cầm thường được thu hái vào mùa xuân và mùa thu. Nên chọn rễ cây to, dài màu vàng, cầm thấy chắc tay là loại tốt. Lưu ý không nên chọn rễ ngắn, nhỏ, chất xốp màu thẫm. Rễ sau khi được thu hoạch sẽ được rửa sạch đất cát, cắt bỏ phần rễ con mọc xung quanh. Sau đó cạo bỏ vỏ và phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ cao.

Thành phần hoá học của hoàng cầm

Trong rễ hoàng cầm có chứa các thành phần hoá học sau:

  • Flavonoid, scutclarin, baicalein, các tanin nhóm pyrocatechic, chất nhựa.
  • Trong củ dược liệu có tinh dầu và hơn 31 chất thuộc nhóm flavanone và flavon.
  • Các chất skulcapflavon II, baicalin, baicalein, oroxylin A, wogonin.

Bộ phận sử dụng

Rễ của cây 

Rễ cây hoàng cầm
Bộ phận được sử dụng làm dược liệu là phần rễ của cây hoàng cầm

Công dụng của hoàng cầm

Dược liệu từ lâu đã được sử dụng trong các bài thuốc Y học cổ truyền và ứng dụng trong Y học hiện đại để chữa trị nhiều loại bệnh.

Y học cổ truyền

Rễ cây thường được chế biến thành dạng khô để sử dụng trong các bài thuốc đông y. Dược vị có tính lạnh, vị đắng, được quy vào 5 kinh gồm: phế, tâm, can, đởm, đại trường. Chủ trị các chứng bệnh:

  • Thông can: Hỗ trợ điều trị ung nhọt,vàng da do gan tích tụ nhiều độc tố.
  • Thông phế: Giảm ho, điều trị viêm phế quản, viêm phổi.
  • Thông tâm: Hỗ trợ điều trị các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, viêm cơ tim, thổ huyết.
  • Thông đại trường: Hỗ trợ điều trị tiêu chảy, kiết lỵ

Ngoài ra, dược liệu còn giúp hạ sốt, cầm máu, an thai, điều hòa kinh nguyệt.  

Công dụng của hoàng cầm
Hoàng cầm mang đến nhiều công dụng cho sức khỏe

Theo Y học hiện đại

Ngoài những ứng dụng trong y học cổ truyền, hoàng cầm dược liệu cũng được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong y học hiện đại. Một số tác dụng có thể kể đến như:

  • Chống oxy hóa mạnh: Các thành phần flavonoid trong dược liệu giúp ngăn chặn quá trình oxy hóa tế bào. Từ đó bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các gốc tự do.
  • Kháng khuẩn, kháng viêm: Dược liệu có khả năng kháng lại nhiều loại vi khuẩn, virus và nấm gây bệnh. Giúp giảm tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể.
  • Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chất chiết xuất từ dược liệu có khả năng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Đặc biệt là ung thư phổi và ung thư gan.
  • Điều hòa huyết áp: Tinh chất chiết từ hoàng cầm giúp ổn định và điều hòa huyết áp, tránh các bệnh về tim mạch.
  • Giảm cân: Sắc hoàng cầm lấy nước uống kết hợp với đại hoàng và hoàng liên giúp làm hạ lipid. Đặc biệt tốt người đang trong chế độ ăn kiêng, giảm cân.

Ngoài ra dược liệu có tác dụng hạ nhiệt tốt, lợi tiểu, và giảm chứng lo âu, chống co giật,…

Cách sử dụng dược liệu hoàng cầm hiệu quả

Hoàng cầm có thể được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau, từ sắc thuốc, tán bột cho đến chiết xuất cao. Dưới đây là một số cách sử dụng phổ biến của thuốc dược liệu:

  • Sắc nước uống: Rễ cây khô được sử dụng để sắc nước uống, giúp điều trị các bệnh về hô hấp, viêm nhiễm và giải nhiệt cơ thể.
  • Dùng trong bài thuốc đông y: Thường được kết hợp với các vị thuốc khác như cam thảo, hoàng kỳ để tăng cường hiệu quả điều trị.
  • Chiết xuất cao hoàng cầm: Thường được bào chế dưới dạng viên nang hoặc dịch lỏng để người bệnh dễ dàng sử dụng.

Một số bài thuốc từ cây hoàng cầm

Gợi ý một số bài thuốc sử dụng hoàng cầm kết hợp cùng với các thảo dược khác bạn có thể tham khảo. Lưu ý rằng, khi sử dụng dược liệu bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y học cổ truyền để đảm bảo sử dụng đúng cách và an toàn.

Chữa đau bụng, kiết lỵ

Bài thuốc từ cây hoàng cầm
Bài thuốc hỗ trợ điều trị đau bụng, kiết lỵ từ hoàng cầm
  • Nguyên liệu: 12g hoàng cầm; 8g thược dược, 3 trái đại táo, 8g cam thảo. 
  • Cách làm: Cho tất cả nguyên liệu vào ấm cùng 1 lít nước. Đun nhỏ lửa từ 20 – 25 phút rồi tắt bếp. Chia thuốc sắc uống 3 lần/ngày.

Chữa phong nhiệt có đờm

  • Nguyên liệu: hoàng cầm và bạch chỉ 
  • Cách làm: Kết hợp 2 dược liệu với tỷ lệ lượng như nhau. Đem phơi khô, tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng lấy 8g bột pha uống chung với trà ấm.

Chữa chảy máu cam, nôn ra máu

  • Nguyên liệu: 40g dược liệu. 
  • Cách làm: Bỏ ruột đen, tán thành bột mịn.  Mỗi lần sử dụng lấy 12g sắc cùng 1 chén nước. Đun ấm thì tắt bếp. Uống 1 lần/ngày vào buổi trưa khi còn ấm.

Chữa nóng gan gây vàng da, mờ mắt

Các bài thuốc từ hoàng cầm
Bài thuốc chữa nóng gan gây vàng da, mờ mắt
  • Nguyên liệu: 120g đạm đậu vị, 40g hoàng cầm. 
  • Cách làm: Cho tất cả nguyên liệu vào ấm sắc với nước uống thay nước lọc hàng ngày. Sử dụng thuốc để uống khi còn ấm.

Chữa giật mình, khóc đêm ở trẻ nhỏ

  • Nguyên liệu: 0,4g hoàng cầm và 0,4g nhân sâm
  • Cách làm: Tán hỗn hợp thành bột mịn. Cho trẻ dùng chung với nước sắc trúc diệp. Sử dụng liền trong 1 tháng.

Bài thuốc giúp thanh nhiệt, giải độc 

  • Nguyên liệu: Bạch truật và hoàng cầm tỷ lệ như nhau.
  • Cách làm: Đem các dược liệu đi sao vàng sau đó tán thành bột mịn rồi trộn với nước cơm. Nặn hỗn hợp thành viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần sử dụng, lấy 50 viên với nước sôi ấm.

Bài thuốc trị cảm mạo

  • Nguyên liệu: 6g hoàng cầm, 6g bạch chỉ, 6g khương hoạt, 6g cát cánh, 4g sài hồ, 2g cam thảo, 10g cát căn, 16g thạch cao, 3 lát gừng tươi, 2 quả đại táo.
  • Cách làm: Sắc với nước và uống trong ngày. Hỗ trợ tình trạng cảm mạo kèm triệu chứng sốt cao, cổ khô, khát và đau cứng đau gáy.

Hoàng cầm là một trong những cây thuốc quý với nhiều tác dụng vượt trội trong việc điều trị và phòng ngừa bệnh tật. Dược liệu không chỉ được sử dụng trong y học cổ truyền mà còn được nghiên cứu và ứng dụng trong y học hiện đại. Tuy nhiên, để tận dụng hết công dụng và tránh những tác dụng phụ không mong muốn, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y học cổ truyền  trước khi sử dụng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *