Lá Trầu Không Cùng Vô Vàn Lợi Ích Mà Bạn Chưa Biết

Lá trầu không có rất nhiều công dụng tuyệt vời trong đời sống và y học. Được xem là một dược liệu quý với nhiều công dụng chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Vậy lá của cây trầu không là gì? Công dụng gì nổi bật và cách sử dụng sao cho đúng? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Lá trầu không
Hình ảnh lá trầu không

Tổng quan về lá trầu không

Trầu không là một loại cây quá quen thuộc với người Việt Nam. Dưới đây là những thông tin về dược liệu này chúng tôi muốn chia sẻ đến mọi người.

Giới thiệu khái quát

  • Tên tiếng Việt:  Trầu không
  • Tên gọi khác: Trầu cay, trầu lương, thổ lâu đằng, thược tương.
  • Tên khoa học:  Piper betle L. hay Piper siriboa L.
  • Họ: Hồ tiêu (Piperaceae).

Đặc điểm nhận dạng

  • Trầu không là loại cây thân leo, thân cây nhẵn.
  • Cành hình trụ, có khía dọc, rễ cây bén ở các mấu
  • Lá mọc so le, hình tim tròn, đôi khi không cân xứng. Phiến lá dài từ 10 – 13cm, rộng 4,5 – 9cm. Đầu lá nhọn, 2 mặt nhẵn, mặt trên màu sẫm bóng, mặt dưới có gân nổi rõ. 
  • Cuống lá có bẹ dài từ 1,5 – 3,5cm, gốc đôi khi hơi lệch.
  • Cụm hoa mọc ở kẽ thành bông ngắn, thường nở vào tháng 5 đến tháng 8. 
  • Quả mọng, tròn và có lông ở đỉnh. 
Cây trầu không
Đặc điểm nhận dạng của cây trầu không

Phân bố

Cây trầu không thường mọc ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Phổ biến nhất là tại các quốc gia châu Á như: Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Cây ưa sáng, ưa ẩm và thường phát triển mạnh nhất vào mùa mưa. 

Thu hái, chế biến

Lá trầu không thường được thu hoạch để làm thuốc, ăn trầu hoặc cúng gia tiên trong các ngày lễ, mùng một, ngày rằm,… Hoặc sử dụng trong các sự kiện quan trọng như cưới hỏi. 

Cách thu hái và chế biến lá trầu không
Ngoài chữa bệnh, lá trầu lương còn được sử dụng trong cưới hỏi, thắp hương gia tiên

Thành phần hoá học

Thành phần có trong lá trầu không rất đa dạng. Phần lớn thành phần là nước, đường và tinh dầu cùng các nhóm Vitamin nhóm B, axit ascorbic và caroten. Ngoài ra cây còn có một số thành phần sau: Protein, carbohydrate, chất béo, chất xơ, chất vô cơ, canxi, photpho, piper betle A và B, Methyl pyrol,…

Bộ phận sử dụng

Lá và rễ của cây trầu không  

Công dụng của lá trầu không

Lá của cây trầu không từ lâu đã được biết đến với nhiều công dụng cho sức khỏe. Dưới đây là những công dụng nổi bật nhất của dược liệu:

Kháng khuẩn và kháng viêm

Lá của cây trầu không có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm mạnh mẽ. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, trong lá cây trầu cay có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn và nấm. Được sử dụng để làm sạch và ngăn ngừa viêm nhiễm trên da, miệng và đường hô hấp.

Công dụng của lá trầu không
Lá trầu không có công dụng kháng khuẩn và kháng viêm hiệu quả

Hỗ trợ tiêu hóa

Lá trầu không có khả năng kích thích sản xuất dịch vị và enzym trong dạ dày, giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Đối với những người gặp vấn đề về tiêu hóa như khó tiêu, đầy hơi, hoặc đau bụng. Việc nhai lá trầu cay hoặc uống nước nấu từ lá có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng.

Làm lành vết thương

Lá trầu lương có tác dụng làm lành vết thương rất tốt nhờ vào khả năng chống viêm và kháng khuẩn. Lá có thể được giã nát và đắp lên các vết thương hở, vết bỏng. Hoặc các vết côn trùng cắn để giảm sưng tấy và ngăn ngừa nhiễm trùng.

Hỗ trợ điều trị các bệnh phụ khoa

Lá trầu không thường được phụ nữ sử dụng để vệ sinh vùng kín, nhờ vào đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. Nước nấu từ lá trầu lương có thể giúp làm sạch và ngăn ngừa viêm nhiễm, nấm ngứa, khó chịu ở vùng kín. Các sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ từ trầu không cũng rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, cần lưu ý sử dụng đúng cách để tránh tác động tiêu cực đến vùng nhạy cảm.

Công dụng của lá trầu không 2
Lá trầu không được nhiều chị em sử dụng hỗ trợ điều trị các bệnh phụ khoa

Giảm đau và giảm sưng

Khi bị đau nhức cơ bắp hoặc sưng tấy do chấn thương, dùng lá của cây trầu không để chườm lên có thể giúp giảm đau hiệu quả. Các hợp chất chống viêm trong lá cây sẽ giúp làm dịu cơn đau và giảm sưng nhanh chóng.

Hỗ trợ điều trị hôi miệng

Lá trầu cay cũng được sử dụng rộng rãi để điều trị hôi miệng nhờ khả năng tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng. Nhai lá trầu hoặc súc miệng với nước nấu từ lá có thể giúp loại bỏ mùi hôi và mang lại hơi thở thơm mát.

Điều trị hôi miệng bằng lá trầu không
Điều trị hôi miệng bằng lá trầu không

Hỗ trợ giảm Cholesterol xấu trong máu

Trong lá trầu cay có chất eugenol có tác dụng ức chế và trung hòa các gốc tự do hình thành cholesterol xấu. Giúp ngăn ngừa các bệnh lý như: mỡ máu, gan nhiễm mỡ,  bệnh tim mạch,… 

Một số bài thuốc từ lá trầu không

Lá của cây trầu không đã được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian để điều trị các bệnh lý khác nhau. Dưới đây là một số bài thuốc phổ biến và dễ thực hiện:

Chữa chàm ở trẻ mới sinh

  • Dùng 2 – 3 lá trầu cay tươi, cắt thật nhỏ và vào một cốc nhỏ.
  • Đổ nước sôi ngập lá trầu như khi pha chè.
  • Đợi 10 – 15 phút để chất trong lá trầu tiết ra nước, sau đó rửa vết chàm. 

Nếu vết chàm lớn, bạn có thể dùng số lượng nhiều hơn. Hoặc đun lá với nước sôi thật kỹ. Để ấm rồi rửa cho bé 2-3 lần/ngày.  

Sát trùng vết thương

  • Chuẩn bị 40g lá trầu không tươi.
  • Rửa sạch, đun với 2 lít nước sôi trong 15 – 20 phút.
  • Để nguội, sau đó gạn lấy nước trong và thêm 8g phèn vào. Khuấy tan rồi rửa vết thương.
Sát trùng vết thương bằng lá trầu không
Sát trùng vết thương bằng lá trầu không

Chữa viêm họng

Chuẩn bị một nắm lá trầu không, sau đó rửa sạch.

  • Giã nát cùng 1 thìa cà phê mật ong.
  • Ngậm hỗn hợp trong cổ họng 10 – 15 phút để giảm tình trạng đau họng, viêm họng do vi khuẩn.

Hỗ trợ điều trị nước ăn chân

  • Chuẩn bị 8g lá trầu cay, 50g lá ráy
  • Thái nhỏ, thêm nước đun sôi để nguội rồi ngâm chân. 

Nếu không có lá ráy thì sử dụng lá trầu cay cũng rất hiệu quả.

Điều trị ngứa và viêm nhiễm vùng kín

  • Chuẩn bị một nắm lá trầu không sau đó rửa sạch.
  • Vò nát sau đó đun sôi với một chút muối để xông vùng kín. 

Bạn có thể sử dụng nước trầu không nguội để rửa bên ngoài vùng kín cũng rất hiệu quả. 

Chữa sai khớp, bong gân

Bài thuốc từ lá trầu không
Cách chữa sai khớp bằng lá trầu cay
  • Chuẩn bị 12g lá trầu cay, 20g nghệ già, 12g lá cúc tần, lá xạ can mỗi vị. 
  • Giã nát tất cả các thảo dược, trộn với một ít giấm. Sau đó bọc gạc rồi đắp lên chỗ sưng đau. 
  • Thay băng sau khoảng 2 – 3 ngày/lần.

Những lưu ý khi sử dụng dược liệu

Mặc dù lá cây có nhiều lợi ích nhưng việc sử dụng cũng cần tuân thủ một số lưu ý để đảm bảo an toàn:

  • Lá của cây trầu không có tính nóng, nếu sử dụng quá nhiều có thể gây kích ứng da hoặc niêm mạc. Đặc biệt là khi dùng để vệ sinh vùng kín. Vì vậy bạn chỉ nên sử dụng với liều lượng vừa phải và không kéo dài.
  • Một số người có thể bị dị ứng với lá của cây trầu không, dẫn đến phát ban hoặc kích ứng da. Trước khi sử dụng, hãy thử nghiệm trên một vùng da nhỏ để kiểm tra xem có phản ứng không.
  • Lá trầu không có thể gây ra tác dụng không mong muốn đối với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Đặc biệt khi sử dụng để uống hoặc đắp trực tiếp lên da. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cho những đối tượng này.

Lá trầu không thực sự là một “vị thuốc tự nhiên” nhất định bạn phải tìm hiểu. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối đa và tránh tác dụng phụ, việc sử dụng dược liệu này cần được thực hiện đúng cách và đúng liều lượng. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, người có chuyên môn trước khi sử dụng. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *