Thanh hao hoa vàng: Vị thuốc quý từ thiên nhiên

Thanh hao hoa vàng được biết đến là một trong những dược liệu quý của y học cổ truyền, sử dụng phổ biến từ hàng ngàn năm nay. Với thành phần hoạt chất phong phú và đa dạng, loại thảo dược này có nhiều công dụng hỗ trợ sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về đặc điểm, công dụng, và những lưu ý khi sử dụng dược liệu.

Tổng quan về cây thanh hao hoa vàng

Giới thiệu khái quát

Tên tiếng Việt: Thanh hao hoa vàng

Tên gọi khác:  Ngải hoa vàng, Thanh hao, Hoàng hoa hao, Hương cao, Thảo cao,…

Tên khoa học:  Artemisia annua L.

Họ:  Họ Cúc (Asteraceae).

Đặc điểm nhận dạng

Dược liệu thanh hao hoa vàng
Hình ảnh cây thanh hao hoa vàng
  • Thân thảo, sống lâu năm. Chiều cao từ 1 – 2m, không lông và có mùi thơm.
  • Thân nhỏ, có cạnh và nhiều đường rãnh, phân cành.
  • Lá của cây xẻ lông chim 2 lần, thành phiến hẹp, bề mặt lá có phủ lông mềm. Lá thanh hao hoa vàng mọc xen kẽ, hình dáng tương đối nhỏ và hẹp, chia nhiều thùy mảnh, tạo cảm giác mịn màng khi chạm vào. 
  • Hoa có màu vàng, nở vào mùa hè từ tháng 6 đến tháng 8. Cánh hoa nhỏ li ti, kết thành chùm tại đỉnh ngọn, mang lại vẻ đẹp tự nhiên và bắt mắt. 
  • Quả hình trứng dạng bế, nhỏ. Chiều dài quả chỉ khoảng 1mm và bên ngoài mặt vỏ quả có các tuyến chứa tinh dầu.

Phân bố

Thanh hao hoa vàng có nguồn gốc từ vùng ôn đới châu Á, đặc biệt phổ biến tại các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Sau đó cây di thực đến nhiều nơi trên thế giới.

Ở Việt Nam, thảo dược này thường được tìm thấy nhiều ở các vùng núi cao tại các tỉnh phí Bắc và Lâm Đồng. Đặc biệt là tại các tỉnh như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Quảng Ninh,… .  

Thu hái, chế biến

Thu hái, chế biến thanh hao hoa vàng
Dược liệu sau khi thu hái, chế biến cần được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát để tránh ẩm mốc mất đi các hoạt chất

Thời gian thu hái thanh hao hoa vàng là quanh năm, khi cây bắt đầu có nụ. Tốt nhất là vào mùa hè, khi cây đạt độ phát triển tốt nhất và hàm lượng dược tính trong cây cao nhất. Cắt phần trên mặt đất, phơi khô sau đó lắc hoặc đập cho lá rụng hết. Loại bỏ thân cành, lấy lá phơi đến khô hoặc sấy nhẹ đến khô.

Bảo quản dược liệu nơi khô ráo, thoáng mát để tránh ẩm mốc. 

Thành phần hoá học

Trong cây thanh hao hoa vàng (phần trên mặt đất) có chứa một số thành phần như: Artemisinin, tinh dầu, chất đắng, các ancaloit,….

Bộ phận sử dụng

Tất cả các bộ phận của cây.

Công dụng của thanh hao hoa vàng

Thảo dược có nhiều công dụng y học đáng quý và được ứng dụng rộng rãi trong cả y học cổ truyền lẫn hiện đại:

Theo y học cổ truyền

Công dụng của thanh hao hoa vàng trong y học cổ truyền
Thanh hao được xem là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền bởi mang đến nhiều công dụng tốt cho sức khỏe

Trong y học cổ truyền, thanh hao hoa vàng được xem là một vị thuốc quý trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Thảo dược có vị đắng, nhạt, tính hàn. Có khả năng thanh nhiệt, giải độc và tiêu trừ các tác nhân gây bệnh do nhiệt. Một số công dụng chính có thể kể đến như:

  • Thanh nhiệt, giải độc: Thường dùng để hạ sốt, giảm nóng trong người, chữa cảm sốt, sốt rét, mồ hôi trộm.
  • Lợi tiểu, giải độc gan: Có tác dụng giúp tăng cường chức năng gan, hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến gan như: viêm gan, gan nhiễm mỡ.
  • Chữa ho, giảm viêm: Thường được dùng để giảm ho, làm long đờm, và giảm các triệu chứng viêm đường hô hấp.
  • Trị đau nhức, phong thấp: Sử dụng để điều trị các triệu chứng đau nhức xương khớp, phong thấp, cơ thể mệt mỏi,….
  • Các bệnh ngoài da: mụn nhọt, lupus ban đỏ, ngứa, ngoài da, lở loét,…

Theo y học hiện đại

Trong y học hiện đại, thanh hao hoa vàng được nghiên cứu và công nhận về khả năng chữa bệnh. Đặc biệt là nhờ vào thành phần hoạt chất chính artemisinin có trong dược liệu. Các tác dụng bao gồm:

Chống sốt rét

Hoạt chất Artemisinin có trong thảo dược có tác dụng điều trị sốt rét. Đặc biệt là diệt ký sinh trùng sốt rét trong hồng cầu. Tuy nhiên thuốc không có tác dụng với các thể ngoài hồng cầu nên bệnh dễ tái phát. Ức chế nấm gây ra các bệnh ngoài da, hạ huyết áp, hạ nhiệt. Cao thanh hao có tác dụng chống muỗi khi bôi ngoài da. 

Công dụng của thanh hao hoa vàng trong Tây y
Hoạt chất Artemisinin có trong thanh hao có tác dụng điều trị sốt rét

Kháng viêm, chống ung thư

Thanh hao hoa vàng có tác dụng kháng viêm và điều trị một số loại ung thư nhờ cơ chế gây chết tế bào ung thư (apoptosis). Artemisinin có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào ác tính trong bệnh ung thư vú, ung thư bạch cầu.

Kháng khuẩn, kháng virus

Dược liệu có khả năng chống lại một số loại vi khuẩn và virus, giúp hỗ trợ hệ miễn dịch trong việc đối phó với các tác nhân gây bệnh. 

Giảm ho, tiêu đờm

Tinh dầu được chiết xuất từ lá thanh hao có tác dụng giảm ho, tiêu đờm và làm dịu cơn hen.  

Công dụng giảm ho, tiêu đờm của thanh hao hoa vàng
Công dụng giảm ho từ tinh dầu của thảo dược thanh hao hoa vàng

Các bài thuốc từ dược liệu

Thanh hao hoa vàng đã được sử dụng trong nhiều bài thuốc cổ truyền, giúp điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau:

Chữa sốt rét bằng thanh hao hoa vàng

  • Nguyên liệu: Thanh hao 40g  
  • Cách làm: Rửa sạch, cắt nhỏ và ngâm trong 500ml nước sạch khoảng 1 giờ. Sau đó đem đun sôi đến khi còn 300ml. Chia nước sắc thành 2 lần uống trong ngày.

Hoặc

  • Nguyên liệu: 10g lá thanh hao hoa vàng khô
  • Cách làm: Đun sôi với 1000ml nước sạch. Chia thành 3 – 4 lần uống trong ngày. Uống trong vòng 5 ngày sẽ thấy hiệu quả.  

Chữa bệnh kết hạch, sốt cơn, mồ hôi trộm, ăn uống kém

  • Nguyên liệu: Thanh hao 8 – 16g
  • Cách làm: Sắc với 500ml đến khi còn 300ml. Chia uống 2 lần/ ngày.  

Chữa cảm phong nhiệt, phát sốt, kinh giật ở trẻ em

  • Nguyên liệu: 10 – 15g lá thanh hao 
  • Cách làm: Rửa thật sạch lá sau đó giã nát. Chế 100ml nước sôi vào rồi hòa đều. Gạn lấy nước cốt cho trẻ uống.

Chữa viêm phế quản mãn tính, hen suyễn, ho đờm

  • Nguyên liệu: Tinh dầu thanh hao hoa vàng 
  • Cách dùng: Uống 20ml x 3 lần/ngày. Dùng một liệu trình 10 ngày liên tục. Nếu bệnh không dứt thì uống thêm liệu trình nữa. Chỉ nên uống tối đa trong 3 liệu trình. 

Chữa ngứa da

  • Nguyên liệu: Thanh hao tươi hoặc khô
  • Cách làm: Nấu nước xông. Khi nước nguội dùng để tắm hoặc vệ sinh khu vực bị ngứa.  

Chữa sưng đau răng

  • Nguyên liệu: 1 nắm thanh hao hoa vàng
  • Cách làm: Rửa sạch, sắc kỹ đến khi nước đặc. Ngậm trong miệng nhiều lần trong ngày. Ngậm khoảng 10 phút rồi nhổ ra.

Chữa bỏng, nổi mẩn, mụn độc, ghẻ ngứa

  • Nguyên liệu: Lá thanh hao non
  • Cách làm: Rửa sạch, giã nát sau đó vắt lấy nước cốt thoa ngoài vùng da cần điều trị.

Những lưu ý khi sử dụng dược liệu

Mặc dù thanh hao hoa vàng là một loại dược liệu có nhiều công dụng tốt, nhưng khi sử dụng vẫn cần lưu ý một số điểm sau:

  • Tham khảo ý kiến của các chuyên gia, thầy thuốc trước khi sử dụng. Tuyệt đối không tự ý sử dụng để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
  • Sử dụng đúng liều lượng theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú không sử dụng.
  • Không sử dụng kéo dài mà không có chỉ định của bác sĩ vì nó có thể gây ra tác động không tốt đến gan và thận.

Thanh hao hoa vàng là một dược liệu quý giá với nhiều công dụng trong việc hỗ trợ và điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích của cây, bạn cần nắm rõ cách sử dụng và những lưu ý về liều lượng. Hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia, thầy thuốc y học cổ truyền, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *