Viêm amidan cấp là một trong những bệnh lý thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Đây là một căn bệnh phổ biến, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh cũng như cách phòng tránh, điều trị hiệu quả. Theo dõi ngay để biết thêm thông tin chi tiết nhé!
Viêm amidan cấp là gì?
Amidan là hai khối mô nằm ở phía sau cổ họng, có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn và virus bằng cách sản sinh ra các tế bào miễn dịch. Khi amidan bị viêm, nó có thể sưng lên và gây đau rát cổ họng.
Viêm amidan cấp là tình trạng viêm sung huyết của amidan khẩu cái do nhiễm khuẩn hoặc virus. Bệnh thường xảy ra nhanh chóng và có thể tự khỏi. Trong một số trường hợp, bệnh có thể kéo dài đến hai tuần và có tính chất truyền nhiễm. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao chủ yếu là:
- Trẻ em từ 5 đến 15 tuổi
- Người có tiền sử viêm amidan tái phát
- Người có hệ miễn dịch yếu
- Người sống trong môi trường ô nhiễm
- Người hút thuốc lá thụ động
Những triệu chứng viêm amidan cấp thường gặp
Triệu chứng của viêm amidan rất rõ ràng và dễ nhận biết. Những dấu hiệu này thường xuất hiện sau khi amidan bị nhiễm khuẩn hoặc virus. Một số triệu chứng phổ biến của bệnh thường gặp có thể kể đến như:
- Đau họng: Người bệnh sẽ cảm thấy đau rát cổ họng. Đặc biệt khi uống nước, nuốt nước bọt hoặc thức ăn.
- Sưng đỏ amidan: Amidan có thể sưng to, đỏ và có thể nhìn thấy các mảng trắng hoặc mủ bám trên bề mặt.
- Sốt: Người bệnh có thể bị sốt cao, thường từ 38 – 39 độ C. Trẻ em có thể bị sốt kéo dài kèm theo mệt mỏi.
- Khó nuốt: Sưng amidan gây ra khó khăn khi nuốt, thậm chí có thể gây nghẹt thở hoặc khó thở nếu sưng quá to.
- Đau tai: Cơn đau do viêm amidan cấp có thể lan sang tai, khiến người bệnh cảm thấy đau nhức ở vùng tai và xung quanh cổ.
- Sưng hạch cổ: Hạch lympho ở cổ có thể sưng và đau khi ấn vào. Đây là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang chống lại sự nhiễm trùng.
- Hơi thở hôi: Sự phát triển của vi khuẩn trong cổ họng và trên amidan có thể gây ra mùi hôi khó chịu.
- Một số triệu chứng khác: mệt mỏi, chán ăn, sút cân, đau đầu,…
Khi có những triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, sốt cao không giảm hoặc đau lan rộng, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh
Viêm amidan cấp có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do sự tấn công của virus hoặc vi khuẩn. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:
- Virus: Thường là các loại virus adenovirus, virus parainfluenza, enterovirus, Mycoplasma và virus cúm, sởi, ho gà,…
- Vi khuẩn: Liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A, haemophilus influenzae, xoắn khuẩn, tu cầu, …
- Các yếu tố môi trường: Ô nhiễm không khí, khói thuốc lá, bụi bẩn hoặc môi trường ẩm ướt có thể làm gia tăng nguy cơ viêm amidan. Tiếp xúc thường xuyên với các chất kích thích có thể gây tổn thương lớp niêm mạc amidan, tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus xâm nhập.
- Hệ miễn dịch yếu: Những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, người già, cơ địa dễ bị dị ứng. Hoặc những người mắc các bệnh lý HIV/AIDS.
- Tiếp xúc với người bệnh: giọt bắn khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện,…
Viêm amidan cấp có nguy hiểm không?
Các đợt viêm amidan cấp thường sẽ tự khỏi sau 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ chuyển thành mãn tính. Nặng hơn là dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau:
- Biến chứng tại chỗ: áp xe quanh amidan, viêm tấy và áp xe thành họng…
- Biến chứng Tai – Mũi – Họng: Gây ra các bệnh như viêm phế quản, viêm xoang, viêm họng mãn tính, viêm thanh quản, viêm tai giữa…
- Biến chứng khác: Viêm cầu thận ở trẻ em, nhiễm khuẩn huyết, viêm khớp, viêm thận,…
Các biện pháp điều trị và phòng tránh bệnh
Có rất nhiều cách để người bệnh có thể áp dụng như: dùng thuốc Tây, cắt viêm amidan, chữa viêm amidan tại nhà,… Tuỳ thuộc vào triệu chứng gặp phải sẽ có những biện pháp điều trị phù hợp.
Điều trị viêm amidan cấp
Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, có thể là do virus hoặc vi khuẩn.
Điều trị viêm amidan do virus
Đối với trường hợp viêm amidan cấp do virus, bệnh thường tự khỏi sau khoảng 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị kháng sinh. Người bệnh nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước, súc miệng bằng nước muối loãng để làm sạch và sát khuẩn cổ họng. Sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol hoặc ibuprofen theo hướng dẫn của bác sĩ cũng giúp giảm các triệu chứng khó chịu.
Điều trị viêm amidan do vi khuẩn
Nếu viêm amidan do vi khuẩn, đặc biệt là do liên cầu khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian để tránh tình trạng kháng thuốc.
Phẫu thuật cắt amidan
Trong trường hợp viêm amidan cấp tái phát nhiều lần hoặc có biến chứng như áp xe amidan, các bác sĩ có thể khuyến nghị phẫu thuật cắt bỏ amidan. Đây là phương pháp được áp dụng khi các biện pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả.
Điều trị tại nhà
Bên cạnh các biện pháp y tế, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp chăm sóc tại nhà như:
- Uống nhiều nước ấm, ăn thức ăn lỏng giúp làm dịu cơn đau họng.
- Súc miệng bằng nước muối giúp loại bỏ đờm nhầy và mủ trong họng. Súc miệng bằng nước muối 2 – 3 lần/ngày.
- Tránh ăn thức ăn cứng, đồ nhiều dầu mỡ, cay nóng.
- Không nói to, hò hét
- Nghỉ ngơi đầy đủ, giữ ấm cổ họng và tránh dùng các chất kích thích.
- Không sử dụng các chất kích thích như: rượu bia, thuốc lá, cafe,…
Các biện pháp phòng tránh
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh đơn giản, dễ thực hiện:
- Giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với người bệnh. Điều này giúp hạn chế sự lây lan của vi khuẩn và virus.
- Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, đặc biệt là cổ họng.
- Tránh tiếp xúc với người bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, giàu vitamin và khoáng chất. Kết hợp với việc tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Bổ sung đủ nước để giữ cho cổ họng luôn ẩm và sạch.
- Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: khói thuốc lá, khói bụi, nấm mốc và ô nhiễm không khí.
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng: lông động vật, phấn hoa,…
Viêm amidan cấp tính có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách. Việc hiểu rõ về dấu hiệu, nguyên nhân cũng như các biện pháp phòng tránh và điều trị sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.