Viêm mũi xuất tiết là tình trạng khá phổ biến, nhất là trong mùa lạnh hoặc khi thời tiết thay đổi với các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy dịch mũi,… Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hằng ngày và tiềm ẩn nhiều biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Hãy cùng Azka tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị hiệu quả cho viêm mũi xuất tiết trong bài viết này nhé.
Viêm mũi xuất tiết là gì ?
Viêm mũi xuất tiết là tình trạng niêm mạc mũi bị viêm do tiết ra quá nhiều dịch nhầy gây ra các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi trong, hắt hơi và đôi khi kèm theo đau đầu. Đây có thể là hệ quả của các bệnh như: Viêm xoang, cúm, viêm mũi họng cấp hay viêm mũi dị ứng.

Viêm mũi xuất tiết có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Các bệnh tai – mũi – họng: Viêm họng, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm xoang, hen suyễn
- Biến chứng về mắt: Viêm túi lệ, áp xe mí mắt, giảm thị lực
- Biến chứng về não: Áp xe não, viêm màng não, áp xe ngoài màng cứng,…
Nguyên nhân gây viêm mũi xuất tiết
Viêm mũi xuất tiết có thể xảy ra ở mọi đối tượng, đặc biệt là những người có sức đề kháng kém. Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây bệnh:
- Nhiễm trùng đường hô hấp do virus, vi khuẩn hoặc nấm gây ra
- Thời tiết lạnh, khô hoặc thay đổi đột ngột giữa nóng và lạnh
- Ô nhiễm không khí môi trường, khói bụi từ phương tiện giao thông hoặc công nghiệp
- Người có hệ miễn dịch kém như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, người từng ghép tạng, người bị nhiễm HIV,…
- Phản ứng với dị nguyên như phấn hoa, bụi, lông thú, nấm mốc, hóa chất
- Lạm dụng thuốc xịt mũi, thuốc gây co mạch… quá mức
Triệu chứng của viêm mũi xuất tiết
Người bị viêm mũi xuất tiết thường có các triệu chứng sau:
Nghẹt mũi
Đây là triệu chứng phổ biến nhất, gây cảm giác khó thở, đặc biệt là khi nằm. Nghẹt mũi có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên mũi. Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể phải thở bằng miệng.
Chảy nước mũi

Là dấu hiệu điển hình của viêm mũi xuất tiết. Dịch mũi tăng tiết nhiều hơn so với bình thường, chảy ra ngoài lỗ mũi hoặc chảy ngược xuống họng (chảy dịch mũi sau). Dịch mũi có thể trong suốt, đục hoặc có màu vàng, xanh, tùy theo nguyên nhân (dị ứng, vi khuẩn, virus). Trong giai đoạn đầu, dịch nhầy thường loãng và trong suốt. Khi có nhiễm trùng do vi khuẩn, dịch nhầy có thể trở nên đặc, màu vàng hoặc xanh.
Sung huyết, tấy đỏ niêm mạc mũi
Sung huyết niêm mạc mũi là tình trạng các mạch máu trong niêm mạc mũi giãn nở, tăng lượng máu lưu thông, dẫn đến sưng tấy và đỏ rực. Khi niêm mạc mũi bị sung huyết, bạn sẽ cảm thấy mũi bị nghẹt, khó thở, đặc biệt là khi nằm. Niêm mạc mũi trở nên sưng phồng, làm hẹp đường thở, gây cảm giác bí bách, khó chịu.
Các triệu chứng khác
- Mũi đau nhức, có thể nặng hơn vào ban đêm và sáng sớm
- Mất khứu giác tạm thời hoặc vĩnh viễn
- Ngứa ngáy khó chịu bên trong mũi, khiến bạn muốn gãi liên tục
- Chán ăn
- Hơi thở có mùi hôi
- Nhức đầu, cảm thấy đau nhức vùng mặt
- Ho do dịch nhầy chảy xuống họng gây kích ứng
- Cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống, khó tập trung làm việc
Cách điều trị viêm mũi xuất tiết
Viêm mũi xuất tiết có thể gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, với các phương pháp điều trị phù hợp, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát và cải thiện tình trạng này.
Điều trị bằng thuốc
Thuốc tây sẽ làm giảm nhanh chóng các triệu chứng viêm mũi xuất tiết, giúp ức chế vi khuẩn gây bệnh, tiêu viêm, giảm phù nề và xuất tiết ở mũi,… Dưới đây là một số thuốc thường được bác sĩ kê đơn để điều trị·
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Giúp giảm các triệu chứng như đau đầu, sốt.
- Thuốc kháng histamin: Chống dị ứng, giảm tiết dịch nhầy, nghẹt mũi.
- Thuốc co mạch, chống sung huyết: Giảm sung huyết, phù nề niêm mạc mũi họng, khắc phục hiện tượng nghẹt mũi và chảy nước mũi.
- Kháng sinh: Chỉ được sử dụng khi có nhiễm khuẩn.
- Corticoid: Giảm viêm, phù nề niêm mạc mũi.
- Thuốc xịt mũi, nhỏ mũi: Giúp sát trùng, làm loãng dịch nhầy trong mũi.
Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý

Nước muối sinh lý dùng để làm sạch mũi, loại bỏ dịch nhầy và các chất kích thích. Cách thực hiện rất đơn giản, bạn nghiêng đầu tầm 45 độ, xịt nước muối vào 1 bên mũi rồi tự cho chảy ra ngoài. Thực hiện liên tục cả 2 bên để dịch tiết chảy ra bên ngoài, giúp sát trùng mũi, loãng đờm, giảm nghẹt mũi.
Điều trị viêm mũi xuất tiết bằng cách xông tinh dầu
Một số loại tinh dầu như: bạc hà, sả, tràm trà,… giúp thông mũi, giảm nghẹt mũi, thậm chí có tác dụng sát khuẩn nhẹ, an thần, giảm khó chịu ở người bệnh. Cách thực hiện rất đơn giản, bạn chỉ cần nhỏ 1 giọt tinh dầu vào máy xông hoặc chậu nước nóng. Cúi mặt sát vào bát nước, trùm khăn lên đầu và hít thở sâu. Hoặc dùng khăn mặt thấm nước nóng có pha tinh dầu rồi vắt ráo, đắp lên mặt và hít thở. Thực hiện xông 1 – 2 lần/ ngày sẽ giúp cải thiện triệu chứng.
Phòng tránh viêm mũi xuất tiết
Để phòng tránh bệnh viêm mũi xuất tiết, bạn có thể áp dụng những cách sau:
- Uống đủ nước: Giúp làm ẩm niêm mạc mũi, loãng dịch nhầy và dễ dàng tống xuất ra ngoài.
- Ăn uống đủ chất: Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng.
- Ngủ đủ giấc: Giúp cơ thể phục hồi và tăng cường hệ miễn dịch.
- Lau dọn nhà cửa thường xuyên: Giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, tránh để bụi bẩn tích tụ.
- Thay ga gối, chăn màn định kỳ: Giảm thiểu sự sinh sôi của vi khuẩn, nấm mốc.
- Sử dụng máy lọc không khí: Nếu điều kiện cho phép, bạn có thể sử dụng máy lọc không khí để loại bỏ các hạt bụi, phấn hoa trong không khí.
- Đeo khẩu trang: Khi ra ngoài, đặc biệt ở những nơi đông người hoặc môi trường ô nhiễm, bạn nên đeo khẩu trang để ngăn ngừa bụi bẩn, vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp.
- Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng: Nếu bạn bị dị ứng với phấn hoa, lông động vật,… hãy hạn chế tiếp xúc với những yếu tố này.
- Giữ ấm cơ thể: Đặc biệt là vùng cổ và mũi, để tránh bị lạnh đột ngột.
- Tập thể dục đều đặn: Tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Tránh căng thẳng: Stress có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể.
- Kiểm tra sức khỏe Tai – Mũi – Họng định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý.
Kết luận
Mong rằng với những thông tin trên, bạn đã có cái nhìn toàn diện hơn về bệnh viêm mũi xuất tiết. Hiểu rõ nguyên nhân và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bảo vệ bản thân không mắc phải tình trạng này. Hãy chia sẻ bài viết này để lan tỏa thông tin hữu ích đến những người xung quanh nhé!