Viêm phế quản mãn là gì?
Viêm phế quản mãn tính (VPQMT) là tình trạng viêm, tăng tiết nhầy mãn tính của niêm mạc phế quản, gây ho và khạc đờm liên tục hoặc tái phát từng đợt ít nhất 3 tháng trong một năm và ít nhất là 2 năm liên tiếp. Người bệnh được chẩn đoán viêm phế quản mãn tính cần được loại trừ các bệnh gây ho khạc mãn tính khác như lao phổi, giãn phế quản
Các nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản mãn:
– Hút thuốc lá, thuốc lào, dù là hút thuốc chủ động hay thụ động (hít khói thuốc) đều là nguyên nhân chính gây viêm phế quản mãn.
– Bụi, khói ô nhiễm không khí ở trong và ngoài nhà.
Ở trong nhà do nguyên nhân từ việc dùng bếp than, bếp ga, nhất là nhà ở kém thông khí là yếu tố gây bệnh.
Ngoài nhà có các loại bụi, khói và hoá chất ở nơi làm việc hay ô nhiễm trong không khí trong môi trường nói chung cũng là yếu tố nguy cơ gây viêm phế quản mạn.
Khi tiếp xúc nhiều và kéo dài với các yếu tố ô nhiễm trong môi trường có nguy cơ gây mắc viêm phế quản mãn đồng thời trên người bệnh có hút thuốc thì nguy cơ mắc bệnh càng cao hơn nhiều.
– Nhiễm khuẩn đường hô hấp tái diễn cũng là yếu tố nguy cơ gây viêm phế quản mãn.
Đường phố Hà Nội ô nhiễm khói bụi
Triệu chứng viêm phế quản mạn tính
Khi một người có viêm phế quản mãn tính thường có các triệu chứng sau:
- Ho kéo dài: thường ho húng hắng, hoặc thành cơn, biểu hiện bệnh thường nặng lên sau những đợt nhiễm trùng đường hô hấp, hoặc khi có thay đổi thời tiết, khi trời lạnh, tiếp xúc khói, bụi…
- Khạc đờm kéo dài: đờm thường có màu trắng, trong những trường hợp có bội nhiễm do vi khuẩn: đờm thường có màu vàng, hoặc màu xanh.
- Ít gặp sốt trong diễn biến thông thường của viêm phế quản mãn. Biểu hiện này thường hay gặp khi bệnh nhân viêm phế quản mãn bị nhiễm lạnh, cúm, hoặc nhiễm khuẩn.
- Khó thở: cũng là biểu hiện ít gặp trong viêm phế quản mãn. Khi bệnh nhân có biểu hiện khó thở thì cần đi khám để được các bác sỹ đoán xem có bị chuyển sang giai đoạn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen phế quản hoặc bệnh nhân có viêm phế quản mạn, nhưng kèm căn nguyên khác gây khó thở như suy tim…
- Mệt mỏi: người bệnh thường than phiền mệt mỏi, nhất là khi ho nhiều gây mất ngủ. Tuy nhiên, ít khi gặp biểu hiện gầy sút cân.
Các biểu hiện bệnh nêu trên thường xuất hiện tái đi, tái lại nhiều lần, việc điều trị mỗi đợt thường kéo dài.
Biến chứng:
Với đặc điểm là bệnh mạn tính, tiến triển thường xuyên, nặng dần với nhiều biến chứng
– Bệnh nặng có thể chuyển thành bệnh phổi tắc nghẽn COPD
– Nhiễm trùng phổi – phế quản
– Suy hô hấp, suy tim, tràn khí màng phổi…
Hen phế quản có nhiều biến chứng nguy hiểm
Ảnh hưởng nặng nề lên cuộc sống người bệnh:
Viêm phế quản mãn tính cũng giống như như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống cũng như kinh tế của bệnh nhân và gia đình.
Người bệnh bị suy giảm chức năng phổi, hạn chế hoạt động thể lực, suy giảm chất lượng cuộc sống, tàn phế và có thể tử vong.
Người bệnh thường xuyên phải điều trị đợt cấp tại bệnh viện cũng như tại nhà nên sẽ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình do chi phí điều trị bệnh cũng như giảm thu nhập do nghỉ việc.
Mặt khác người bệnh cũng như người nhà luôn ở trạng thái lo lắng về bệnh tật và có thể mắc các bệnh như suy nhược thần kinh, trầm cảm …
ĐIỀU TRỊ VIÊM PHẾ QUẢN MẠN THẾ NÀO?
Tránh yếu tố nguy cơ có thể gây bùng phát các đợt cấp của bệnh:
- Không hút thuốc, tránh tiếp xúc khói thuốc, khói bếp, các môi trường nhiều khói, bụi…
- Tránh lạnh, ẩm; trong những điều kiện buộc phải ra ngoài môi trường lạnh, ẩm thì nên quấn khăn kín cổ, đeo khẩu trang.
- Tránh gió lùa trong nhà, giữ nhà luôn ấm tránh ẩm thấp
- Nên tiêm vaccin phòng cúm hàng năm. Thời gian tiêm tốt nhất là vào tháng 9 hàng năm. Việc tiêm vaccin phòng cúm giúp giảm đáng kể tần xuất mắc các đợt cấp trên nền viêm phế quản mãn.
- Điều trị và kiểm soát tốt các bệnh phối hợp (tiểu đường, tăng huyết áp…). Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ các chất đạm, giàu vitamin A, D, E và chất khoáng (hoa quả, rau xanh…) để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Điều trị đợt cấp của bệnh
Tùy theo mức độ đợt cấp, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn hoặc điều trị tại bệnh viện.
Phương pháp điều trị bằng thuốc tây y:
– Giãn cơ trơn phế quản (uống hoặc khí dung)
– Chống viêm bằng corticoid
– Long đờm, giảm ho tùy theo mức độ triệu chứng
– Oxy liệu pháp khi có dấu hiệu suy hô hấp
– Kháng sinh chỉ được chỉ định nếu có nhiễm khuẩn với biểu hiện sốt, ho kèm đờm tăng số lượng và đổi màu
Phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền
– Đối với viêm phế quản mãn tính không phải đợt nhiễm khuẩn cấp tính việc sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền chuẩn từ các cơ sở uy tín cũng giúp hỗ trợ điều trị cho người bệnh rất hiệu quả. Với tính chất bệnh hay tái đi tái lại khi dùng các bài thuốc y học cổ truyền cũng giúp giảm các tác dụng phụ không mong muốn như khi dùng thuốc tây y.
– Thực phẩm bảo vệ sức khỏe hỗ trợ điều trị viêm phế quản mãn tính là một sản phẩm rất hiệu quả với người bệnh hiện nay. Với các vị dược liệu có tác dụng tương tự như các hoạt chất trong thuốc tây y nhưng tác dụng phụ ít hơn hoặc không có, kết hợp với công nghệ bào chế hiện đại giúp cho người bệnh có thêm lựa chọn điều trị bệnh an toàn, hiệu quả
Phương pháp hỗ trợ điều trị
Người bệnh cần có chế độ nghỉ ngơi kết hợp với phương pháp vật lí trị liệu (hô hấp liệu pháp)
Thể dục rèn luyện thể lực hợp lí theo chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường bổ sung các loại vitamin để tăng cường thể trạng cho người bệnh
Chế độ sinh hoạt lành mạnh
Lời khuyên cho bệnh nhân:
Viêm phế quản mạn là một bệnh mạn tính, mà nguyên nhân hàng đầu do khói thuốc lá, thuốc lào. Bệnh không khỏi được hoàn toàn nhưng chúng ta có thể điều trị bệnh ổn định, làm giảm được sự tiến triển của bệnh cũng như dự phòng được đợt cấp và biến chứng của bệnh.
Việc hiểu biết các nguyên nhân để loại bỏ nguyên nhân, tuân thủ các chỉ định điều trị của thầy thuốc kết hợp với việc thực hiện các biện pháp dự phòng theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa là những điểm chính bệnh nhân cần thực hiện giúp kiểm soát bệnh hạn chế tái phát.
Hàng năm bệnh nhân phải đi khám sức khỏe định kì, khi có biểu hiện của đợt cấp cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám chuyên khoa và điều trị kịp thời.